Giáo dục thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Thứ ba - 30/11/2021 14:57
Giáo dục thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong các cơ sở giáo dục mầm non.
images
images

Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động của các hiểm họa tự nhiên, chủ yếu là do hiện tượng khí tượng, thủy văn. Là quốc gia nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, nước ta đồng thời nằm trong trung tâm bão của khu vực tây Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão lớn trên thế giới.
Sự tổ hợp của bão với gió mùa gây mưa lớn, với địa hình phức tạp, các đồng bằng thấp, hẹp và dốc nối liền với núi cao, mưa do gió mùa, mưa bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán và các thiên tai khác đã gây nên thiệt hại về người, của cải, mùa màng và cơ sở hạ tầng cho Việt Nam.

I. GIÁO DỤC TRẺ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU BẰNG NHIỀU HÌNH THỨC.

Hình thức tổ chức sự kiện

Sự kiện giáo dục về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho trẻ vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có tính thời sự, cấp bách. Do vậy, việc tổ chức sự kiện này cho trẻ hướng tới mục đích giúp trẻ hiểu rõ về biến đổi khí hậu, thiên tai sắp xảy ra, cách phòng, chống thiên tai đó, đánh giá được hậu quả thiên tai đã gây ra và kết quả việc áp dụng kĩ năng phòng, chống thiên tai của bản thân, thể hiện thái độ, tình cảm đối với người bị mất mát, thiệt hại trong thiên tai.

Chơi kéo co của các bé Trường mầm non
Hướng dẫn cách xác định nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai theo các sự kiện:
Bước 1: Cập nhật các sự kiện thiên tai sắp xảy ra, vừa xảy ra tại địa phương hoặc trên phạm vi quốc gia.
Để cập nhật thông tin về các sự kiện thiên tai sắp xảy ra hoặc vừa xảy ra, giáo viên quan tâm đến tin tức thời tiết được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, sự kiện liên quan đến thảm họa thiên tai đã xảy ra trong lịch sử có ý nghĩa thực tiễn cao, nhằm:
 1- Cung cấp cho trẻ một số tri thức về thảm họa thiên tai trong quá khứ: Tên gọi, đặc điểm, thời gian xảy ra, địa điểm xảy ra, hậu quả;
 2- Nêu ra bài học thực tế cho trẻ về những kinh nghiệm mà loài người đã trải qua trong quá trình sống và đấu tranh với tự nhiên;
3- Giáo dục trẻ biết thể hiện sự cảm thông, đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tạo niềm tin cho trẻ về sự vững vàng của con người trước tự nhiên, dù trong khó khăn, con người vẫn vượt qua và khôi phục lại cuộc sống sau thiên tai;
4- Giáo dục cho trẻ tình yêu thiên nhiên và ý thức quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Nếu có điều kiện, giáo viên nên trao đổi với các chuyên gia thời tiết, người làm trong dự báo thời tiết, nhà khoa học về nguyên nhân, đặc điểm, quá trình hình thành, tác hại và biện pháp phòng, chống các hiện tượng cực đoan.
Bước 2: Lựa chọn nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai liên quan đến sự kiện thiên tai đó
Việc xác định nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu căn cứ dựa trên mục tiêu giáo dục và khung kiến thức, kĩ năng, thái độ. Nội dung được xác định dựa vào trình tự tri thức về thiên tai: tên gọi, dấu hiệu nhận biết, nguồn gốc xuất hiện, hậu quả và cách phòng, tránh.
Bước 3: Lựa chọn các hoạt động phù hợp, khả thi sẽ tổ chức trong sự kiện.
Các hoạt động cần đảm bảo tiết kiệm chi phí, cần thiết cho cuộc sống của trẻ và thân thiện với môi trường. Giáo viên có thể suy nghĩ tới các loại hoạt động như hội chợ, triển lãm, biểu diễn, thực hành, hoặc cuộc thi tìm hiểu kiến thức về thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bước 4: Chuẩn bị
Giáo viên cần chuẩn bị các tài liệu, phương tiện cần thiết cho ngày sự kiện, bao gồm:
  • Tranh ảnh
  • Video (phim tài liệu)
  • Dụng cụ thực hành (trang phục, đồ dùng, lương thực)
  • Địa điểm (phòng học rộng rãi, có các trang thiết bị cần thiết, hoặc sân trường, sân khấu, phông bạt,…)
Công tác chuẩn bị có thể chỉ từ phía giáo viên và phụ huynh, cũng có những hoạt động mà trẻ có thể tham gia: ví dụ tập kịch, trang trí phòng lớp, mang tranh ảnh sưu tầm đến lớp. Giáo viên cũng nên huy động sự tham gia của các nguồn lực khác tại địa phương. Kế hoạch tổ chức sự kiện cần được thông báo rộng rãi đến giáo viên và phụ huynh được biết và phối hợp thực hiện.
Bước 5: Tổ chức sự kiện
Sau khi đã chuẩn bị và lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp, giáo viên tiến hành tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động trong sự kiện.  Giáo viên cần chú ý khơi gợi và duy trì xúc cảm của trẻ khi tham gia các hoạt động. Sau hoạt động, giáo viên có thể hỏi trẻ ấn tượng về thiên tai đã được xem thông qua buổi biểu diễn/triển lãm/xem phim hoặc các hoạt động khác trong sự kiện. Từ đó giáo dục về bài học kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho trẻ.

Chế độ sinh hoạt hàng ngày

Thông qua hoạt động trò chuyện sáng, hay hoạt động chiều, trong giờ ăn, hay trước giờ ngủ, giáo viên đều có thể trò chuyện với trẻ về các vùng đang gặp thiên tai, chủ yếu hình thành cho trẻ tình cảm đối với những người dân trong vùng bị thiên tai và củng cố tri thức về thiên tai mà trẻ đã được biết, tìm hiểu trước đó.
Nội dung giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho trẻ mầm non tại các thời điểm trong chế độ sinh hoạt hàng ngày
Hoạt động tại các thời điểm đón trẻ, hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều, chơi tự do, trả trẻ có thể cung cấp, củng cố, mở rộng kiến thức của trẻ về:
- Các loại hình thiên tai.
- Đặc điểm của các loại hình thiên tai.
- Nguyên nhân dẫn tới các loại thiên tai.
- Những thiệt hại do thiên tai gây ra về người và của.
- Cách ứng xử, thái độ của con người khi xảy ra thiên tai.

2.Các bước tổ chức hoạt động giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho trẻ mầm non

Tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho trẻ mầm non cần thực hiện theo những bước sau:
Bước 1: Lựa chọn đề tài về thiên tai và BĐKH, xác định mục tiêu cụ thể
Tri thức về thiên tai và BĐKH là tri thức khó, do vậy muốn hình thành biểu tượng sâu sắc và kĩ năng ứng phó thiết thực cho trẻ thì việc lựa chọn đề tài cần quan tâm đến tính thực tiễn của đối tượng. Đối với nội dung về BĐKH, giáo viên có thể lựa chọn những đề tài cụ thể và đơn giản, vừa sức với trẻ nhỏ như: thế nào là biến đổi khí hậu, thời tiết, tại sao trái đất nóng lên, hiện tượng băng tan… Đối với các loại thiên tai, giáo viên cần xem xét đến sự xuất hiện thường xuyên hay không thường xuyên, tính chất nghiêm trọng của loại thiên tai hay xảy ra ở địa phương nơi trẻ sống để lựa chọn những đối tượng gần gũi trước. Không nên quá ôm đồm nhiều loại thiên tai trong một hoạt động. Thường đề tài về thiên tai nên cụ thể, tập trung vào một loại thiên tai, ví dụ: Tìm hiểu về bão, Tìm hiểu về lũ lụt, Động đất và cách phòng tránh,…

Sau khi lựa chọn được đề tài, giáo viên xác định mục tiêu giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cụ thể cho trẻ phù hợp với lứa tuổi.
Mục tiêu cụ thể này được xác định dựa vào mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non và khung kiến thức, kĩ năng, thái độ về giáo dục phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cho trẻ mầm non.
Nếu trong chương trình của nhà trường/khối/lớp, dự kiến xây dựng hoạt động tích hợp toàn phần về giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cho trẻ, ban giám hiệu/giáo viên chỉ cần căn cứ vào mục tiêu ở khung kiến thức kĩ năng, thái độ để xác định mục tiêu cụ thể cho hoạt động đó. Vì bản thân mục tiêu của khung này đã đựa xây dựng phù hợp với mục tiêu của chương trình GDMN.
Nếu trong chương trình của nhà trường/khối/lớp đã có những nội dung hoạt động liên quan tới thiên tai và BĐKH, nhưng không phải là hoạt động tích hợp toàn phần, ban giám hiệu/giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu của chương trình GDMN, xem xét sự phù hợp với mục tiêu giáo dục phòng, chống thiên tai và BĐKH để đưa ra mục tiêu cụ thể (tham khảo bảng 1, trang 31).
Bước 2: Khai thác nội dung giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cho trẻ mầm non
Sau khi lựa chọn được đề tài, xác định được mục tiêu, giáo viên cần tìm hiểu kĩ về loại thiên tai đó để khai thác nội dung giáo dục cho trẻ. Khai thác nội dung giáo dục về thiên tai và cách phòng, chống nên đảm bảo trình tự tri thức sau đây:
  • Tên gọi
  • Đặc điểm bên ngoài nổi bật
  • Nguyên nhân xảy ra (đơn giản, dễ hiểu)
  • Ảnh hưởng đến con người và tự nhiên (động vật, thực vật, môi trường)
  • Cách phòng, chống

Các nội dung giáo dục về thiên tai được lựa chọn phải chính xác, vừa sức với trẻ. Tri thức về nguyên nhân xảy ra thường khó với trẻ nên giáo viên cần biết lược bớt thông tin, chỉ chọn thông tin cơ bản nhất, dễ hiểu nhất. Tri thức về cách phòng chống thường khiến trẻ khó hình dung nên cần được đưa ra dưới dạng hướng dẫn ngắn gọn, súc tích, khoa học.
Bước 3: Lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động

Để chuyển tải nội dung giáo dục về thiên tai cho trẻ, giáo viên cần biết cách lựa chọn phương pháp và hình thức hoạt động phù hợp. Mỗi phương pháp có thế mạnh riêng để bổ sung tri thức hoặc hình thành kĩ năng và thái độ cho trẻ nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi được phối hợp cùng nhau. Chẳng hạn phương pháp đàm thoại và tài liệu trực quan là quan trọng khi cung cấp tri thức cho trẻ về tên gọi, đặc điểm và hậu quả của hiện tượng thiên tai. Phương pháp thí nghiệm hoặc tài liệu trực quan (cụ thể là video) kết hợp giải thích có tác dụng tốt khi cho trẻ tìm hiểu diễn biến, nguyên nhân xuất hiện hiện tượng. Các phương pháp thực hành (diễn tập, trò chơi, dự án), làm mẫu kết hợp sử dụng tài liệu trực quan (thể hiện bằng hình thức tiêu lệnh phòng chống thiên tai) là lựa chọn phù hợp với việc hình thành kĩ năng phòng chống thiên tai cho trẻ. Về hình thức, giáo viên cũng có nhiều sự lựa chọn hình thức tổ chức hoạt động căn cứ vào mục tiêu, nội dung và quy mô tổ chức. Cần sử dụng đa dạng các hình thức học tập, vui chơi, lao động, tham quan, diễn tập và tận dụng các hoạt động trong chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ để giáo dục phòng chống thiên tai có hiệu quả.
Bước 4: Chuẩn bị các điều kiện tổ chức hoạt động
Các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho trẻ mầm non bao gồm điều kiện về vật chất và điều kiện về tinh thần. Điều kiện vật chất như địa điểm, trang phục, thiết bị, tài liệu trực quan, đồ dùng, đồ chơi,… Điều kiện về tinh thần bao gồm sự sẵn sàng về tâm lý của trẻ, sự ủng hộ, thống nhất của phụ huynh, sự quan tâm hỗ trợ của nhà trường, hiểu biết của giáo viên…Việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho trẻ mầm non cần đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tận dụng được nguồn vật liệu đồ dùng có sẵn và huy động được từ phía phụ huynh, tránh lãng phí, mất thời gian và công sức của giáo viên.
Bước 5: Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, quan sát và hỗ trợ trẻ; trẻ chủ động tích cực trong việc tìm hiểu và thực hành cách phòng, chống thiên tai. Do thiên tai là đối tượng khó và là hiện tượng thời tiết nguy hiểm nên các hoạt động chỉ thực sự hiệu quả khi trẻ hứng thú tham gia và được đảm bảo an toàn. Việc thực hiện cần có sự phối hợp giữa các giáo viên trong trường và với phụ huynh, đồng thời có sự chuẩn bị về kĩ năng cho trẻ.
Đa số các hoạt động giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cho trẻ nhẹ nhàng, vui vẻ, nhưng đối với các hoạt động diễn tập, thực hành nhằm rèn luyện kĩ năng ứng phó với thiên tai phải đảm bảo tính kỷ luật, để rèn thói quen cho trẻ và giảm thiểu tối đa thiệt hại do hỗn loạn khi thiên tai xảy ra.


Bước 6: Đánh giá hiệu quả tổ chức hoạt động
Sau khi tổ chức hoạt động, giáo viên cần đánh giá hiệu quả hoạt động dựa trên việc đánh giá trẻ. Các tiêu chí để đánh giá trẻ thường tập trung vào kiến thức, kĩ năng, thái độ (căn cứ vào mục tiêu đề ra). Để thuận tiện cho giáo viên trong đánh giá trẻ, hình thức đánh giá có thể sử dụng đến là quan sát trẻ trong quá trình hoạt động, đặt câu hỏi, đánh giá sản phẩm. Mức độ đánh giá nên lựa chọn là đạt và chưa đạt. Giáo viên nên sử dụng phiếu khen, hoa điểm tốt, cờ thi đua, sticker để động viên trẻ khi chúng làm đúng. Việc đánh giá được sử dụng để điều chỉnh các hoạt động tiếp theo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục phòng chống thiên tai cho trẻ.
Tóm lại, tổ chức hoạt động giáo dục về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho trẻ mầm non là một quá trình giáo dục đòi hỏi sự nỗ lực và nghiêm túc nghiên cứu về đề tài biến đổi khí hậu và thiên tai của giáo viên mầm non để có được những hiểu biết nhất định, giúp giáo viên định hướng cho trẻ trong hoạt động. Để nâng cao kiến thức, kĩ năng, thái độ của trẻ về biến đổi khí hậu, thiên tai và phòng chống thiên tai, khi tố chức các hoạt động này, giáo viên nên thực hiện theo trình tự các bước để đảm bảo tính logic và khoa học. Tuy nhiên, giáo dục về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai chỉ nên bắt đầu ở trẻ 3 tuổi, cần xác định được nội dung phù hợp với từng độ tuổi và kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp thì mới mang lại kết quả mong đợi và không nặng nề với trẻ nhỏ.
Quá trình tổ chức hoạt động giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH cho trẻ mầm non cần có sự định hướng, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát từ cán bộ quản lý chuyên môn các cấp trên tinh thần giao quyền chủ động cho trường mầm non. Trường mầm non cần chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của mình bằng cách lập kế hoạch và triển khai kế hoạch chung cho giáo viên, trên cơ sở đó giáo viên lập kế hoạch cho lớp của mình. Ban giám hiệu kiểm tra, đánh giá kết quả bằng cách dự giờ, quan sát kết quả hoạt động của trẻ, tổ chức hoạt động diễn tập chung toàn trường để vừa rèn luyện kĩ năng phòng, chống thiên tai cho trẻ, vừa đánh giá được kết quả giáo dục của giáo viên.
Hy vọng một số hoạt động giáo dục phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên sẽ giúp giáo viên mầm non có thể tham khảo, sử dụng và vận dụng để thiết kế những hoạt động giáo dục hiệu quả trong thực tiễn giảng dạy của mình./.

2. GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ MẦM NON

Cuộc sống phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất tinh thần của chúng ta ngày càng được cải thiện, tuy nhiên đối lập với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường có những diễn biến phức tạp. Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường chính là điều cấp thiết, hướng đến một môi trường “Xanh- sạch- đẹp- an toàn” cho chính các em. 

Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường

Vì sao phải giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non?

Trái đất đang nóng lên từng ngày, biến đổi khí hậu, thiên tai liên miên, tình trạng ô nhiễm ở mức báo động đỏ. Vấn đề bảo vệ môi trường không còn là vấn đề riêng của một quốc gia mà còn là vấn đề cấp bách của toàn nhân loại.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức của con người. Vì vậy hiểu biết về môi trường và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường mang tính cần thiết, cấp bách, có tính chiến lược toàn cầu. Các nhà khoa học đều cho rằng giáo dục bảo vệ môi trường cần được quan tâm đúng mức ngay từ lứa tuổi mầm non vì lứa tuổi này dễ dàng hình thành nề nếp thói quen, mang lại hiệu quả cao, tạo cơ sở cho việc hình thành nhân cách con người. 

Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường

Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non là cung cấp những kiến thức sơ đẳng, cơ bản phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ nhằm tạo ra thái độ và hành vi đúng đắn của trẻ đối với môi trường. Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường mà STEAMe GARTEN gợi ý dưới đây các phụ huynh có thể áp dụng và dạy cho các bé ngay tại nhà.

Giải thích cho trẻ hiểu những điều xảy ra xung quanh 

Sự thật là trẻ con thông minh và tiếp thu nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Vì thế, các bậc phụ huynh nên giải thích cho các con biết về những lời kêu gọi, tuyên truyền, những hình ảnh trên báo chí, tivi về chủ đề thiên nhiên và môi trường. Đây là cách truyền tải thông tin rất hiệu quả giúp trẻ nhớ lâu và học tập nhanh hơn. 

Thêm vào đó, các phụ huynh có thể tìm thêm những bộ phim hoạt hình mang tính giáo dục trẻ bảo vệ môi trường. Tốt nhất là các bố mẹ nên xem cùng con, giải thích nguyên nhân, thực trạng và hậu quả khi môi trường bị ô nhiễm. Như vậy trẻ sẽ hiểu rõ hơn và dần hình thành tình yêu đối với thiên nhiên. 

Phụ huynh nên giải thích những điều xảy ra xung quanh môi trường để trẻ hình thành tình yêu đối với thiên nhiên

Dạy trẻ từ những hành động nhỏ nhất hàng ngày 

Bảo vệ môi trường không cần phải làm những điều to tát mà chỉ bằng những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày dưới đây:

1. Dạy bé tiết kiệm điện, nước:

Những hành động thường ngày mà trẻ nhìn thấy có tác động rất lớn với nhận thức của trẻ con. Các em rất dễ bắt chước và hình thành nên nhận thức, thói quen. Vì vậy các bố mẹ nên dạy các bé tắt điện trước khi ra khỏi phòng, mở vòi nước vừa đủ dùng để tiết kiệm điện, nước. Ngoài ra, dùng giấy tiết kiệm cũng sẽ góp phần bảo vệ cây xanh, một trong những yếu tố giúp môi trường luôn trong sạch. 

2. Phân loại và vứt rác đúng nơi quy định 

Mỗi gia đình hàng ngày đều thải ra môi trường rất nhiều loại rác thải, tuy nhiên mọi người vẫn còn giữ thói quen xấu là không phân loại rác thải, vứt rác không đúng nơi quy định. Trẻ con rất dễ nhiễm tính xấu này từ người lớn. Do đó, các phụ huynh hãy dạy con cách xử lí rác thải ngay từ bây giờ, phân loại rác tái chế được, đâu là rác không tái chế được và vứt rác đúng nơi quy định. 

Đặc biệt, khi bé vứt rác không đúng chỗ, các bố mẹ hãy nhẹ nhàng chỉ ra hành động vừa rồi là không tốt , giúp trẻ nhận thức được bản thân cần phải bảo vệ môi trường từ những hành động hàng ngày. 

3. Luôn khen ngợi và ủng hộ trẻ hành động vì môi trường 

Khi các con thực hiện những hành động bảo vệ môi trường, các phụ huynh hãy dành tặng cho các bé lời khen và khích lệ để các bé có hứng thú hơn. Phụ huynh không nên thay con làm tất cả mà hãy đồng hành cùng bé. Ví dụ như cùng con đi vứt rác, cùng con trồng cây. Điều này sẽ giúp các bé ý thức được những hành động mình làm có ý nghĩa như thế nào với môi trường. 

Dành tặng lời khen khi các bé tham gia bảo vệ môi trường để bé hứng thú hơn

Giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non tại STEAMe GARTEN

Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể để phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Xác định được tầm quan trọng đó, hệ thống mầm non song ngữ STEAMe GARTEN đã thiết kế chương trình học phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các hoạt động hàng ngày để các bé có thể vừa học, vừa chơi mà vẫn tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất. Thông qua các hoạt động ngoài trời, các hoạt động khám phá khoa học, giáo viên sẽ tạo hứng thú bước đầu cho trẻ làm quen với những nội dung bảo vệ môi trường. 

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua các dự án

Chương trình giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non tại STEAMe GARTEN chia thành nhiều dự án như: dự án môi trường, dự án trồng cây, dự án làm đồ tái chế, dự án nước sạch.. với thời lượng mỗi dự án kéo dài từ 1-2 tuần nên các con dù 3 tuổi vẫn có đủ thời gian tiếp cận nhiều kiến thức bảo vệ môi trường qua nhiều hoạt động khác nhau. 

Trong các dự án đều có những hoạt động đan xen để trẻ tiếp cận ban đầu với những khái niệm cơ bản như: môi trường sạch, môi trường bị ô nhiễm, tác hại của ô nhiễm môi trường, vì sao phải bảo vệ và trồng cây xanh, tại sao phải rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… và những đóng góp của bản thân để chung tay bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra có những dự án không liên quan nhưng trong quá trình giảng dạy giáo viên vẫn liên hệ việc bảo vệ môi trường trong đó bằng những câu hỏi, tương tác nhắc nhở. Ví dụ: tìm hiểu về chiếc lá, tìm hiểu về đại dương…

Đồ chơi của các bé đều được làm từ đồ tái chế

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động hàng ngày 

1 – Hoạt động dạo chơi, tham quan

Thông qua các hoạt động dạo chơi, tham quan, các bé được tiếp xúc và thể hiện thái độ trực tiếp của mình với môi trường sống. 

Ví dụ: Hoạt động xem kịch tại nhà hát múa rối Việt Nam: bé được xem những vở kịch giáo dục việc trồng cây xanh, bắt lâm tặc hoặc bảo vệ nguồn nước sạch, giáo dục trẻ giữ môi trường biển không rác thải. Thông qua những vở kịch, giáo viên sẽ tương tác với các em bằng những câu hỏi về môi trường, thảo luận về vở kịch vừa xem, chỉ ra cho bé những hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường. 

Hoạt động dã ngoại giúp các bé trực tiếp thể hiện thái độ của mình với môi trường

2 – Hoạt động tái chế 

Năm nào trường cũng tổ chức cuộc thi làm đồ tái chế với concept khác nhau. Khi tái chế đồ từ chai nhựa, bố mẹ sẽ đóng góp chai nhựa cho lớp học, một phần trong đó sẽ được sử dụng để các bé làm thành một sản phẩm dự thi hoàn chỉnh, phần còn lại sẽ được gom đi tái chế. 

Tất cả các hoạt động dự án khác của trẻ suốt bao năm qua đều sử dụng đồ tái chế. Ví dụ: dịp Giáng sinh cô giáo cùng các bé tự làm bằng vỏ chai, dây thừng, cành cây khô… hoặc những cây đào, cây mai và cả những đồ chơi cho bé cũng làm bằng đồ tái chế. Đây cũng chính là văn hóa của STEAMe GARTEN và tất cả các em được giáo dục rất cao về việc tái sử dụng đồ cũ, bảo vệ môi trường. 

Hầu hết các hoạt động dự án khác đều được làm bằng đồ tái chế

3 – Cùng trẻ thực hiện các hoạt động thiết thực 

Các em sẽ được hình thành các thói quen như lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ chơi, tuyệt đối không xả rác bừa bãi hay để lớp học bừa bộn. Hoạt động thu gom rác quanh khuôn viên: giáo viên sẽ giúp trẻ nhận biết môi trường sạch, môi trường bẩn, định hướng hành vi đúng đắn với môi trường cho các em, trẻ được dạy lý do tại sao phải nhặt rác, nhặt rác như thế nào để giữ an toàn cho bản thân, nên bỏ rác vào đâu? Các em sẽ được phát 1 túi rác giấy và 1 que gắp, khẩu trang… để có thể tự nhặt rác, túi nilon…

4 – Hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh

Các hoạt động hàng ngày như ăn, ngủ, vệ sinh cũng là một cơ hội để các bé được trải nghiệm. Trẻ tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân sạch sẽ cũng là một cách để bảo vệ môi trường xung quanh trẻ. Vì vậy, việc để cho trẻ tự trải nghiệm những hoạt động vệ sinh cá nhân cũng có vai trò lớn trong việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường 

Tác giả: Hoàng Thị Nhàn

Nguồn tin: Bộ giáo dục đào tạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây