Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ: Triệu chứng và cách điều trị

Thứ tư - 13/09/2023 22:13
Đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ không phải là bệnh lý quá hiếm gặp. Bệnh xảy ra chủ yếu là do vi khuẩn và virus tấn công. Hầu hết, khi bị đau mắt đỏ, thị lực của trẻ dường như không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng như là đau rát, ngứa, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của con.
 

1. Tìm hiểu về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ

Đau mắt đỏ ở trẻ xảy ra khi kết mạc bị viêm nhiễm, khiến cho mắt có hiện tượng đỏ ửng, đau rát và có dấu hiệu sưng. Bệnh lý này có xu hướng quay trở lại bất kỳ lúc nào khi mắt tiếp tục bị virus, vi khuẩn xâm nhập.

Thực chất, đau mắt đỏ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, trẻ em là những đối tượng dễ mắc phải nhất, đặc biệt là những bé học mẫu giáo. Lúc này, hệ miễn dịch của con còn non nớt, lại chưa biết cách tự bảo vệ mình khỏi bụi bẩn. Sau nhiều giờ đồng hồ vui chơi ngoài trời, trẻ thường có phản ứng đưa tay lên dụi mắt. Điều này vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus tấn công, dẫn đến đau mắt đỏ.

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Tình trạng này thường rất dễ xảy ra và hầu như có thể tự khỏi hoặc điều trị đơn giản. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau mắt đỏ trong thời gian dài, kèm theo cảm giác đau, rát trầm trọng thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt. Thông qua đó, bác sĩ sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm lây lan sang các bộ phận khác.
 

2. Những nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ ở trẻ

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc vi khuẩn (liên cầu, phế cầu, tụ cầu) gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn mùa hè đến cuối mùa thu, khi giao mùa, hoặc khi thời tiết chuyển từ nắng nóng sang mưa,…

Vào những thời điểm này, cơ thể trẻ rất nhạy cảm với thời tiết và dễ bị mệt mỏi. Đây là cơ hội tốt để virus, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Bên cạnh đó, việc sống trong môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối,… cũng chính là điều kiện thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ bùng phát.

Một nguyên nhân nữa ít xảy ra hơn là do tình trạng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh. Khi bị tắc lệ đạo sẽ gây nên triệu chứng giả viêm kết mạc. Lúc này, mắt của trẻ cũng có những triệu chứng như đau mắt đỏ. VD: bị đỏ ở vùng da bờ mi, mắt lúc nào cũng trong trạng thái ướt như sắp khóc. Lúc này, cha mẹ sẽ cần đưa trẻ đến bác sĩ để thực hiện thông tắc lệ đạo cho trẻ.
 

3. Cách điều trị & kinh nghiệm chăm sóc

3.1 Cách điều trị

Việc điều trị khi trẻ bị đau mắt đỏ không quá phức tạp. Tuy nhiên, mắt của trẻ nhỏ là vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên là cha mẹ hãy đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ nhãn khoa. Thông qua đó, bác sĩ sẽ kiểm tra và có thuốc hoặc phương pháp điều trị phù hợp.

Thông thường, nếu điều trị bằng thuốc thì tình trạng đỏ mắt sẽ thuyên giảm sau 1 – 2 tuần. Thuốc có thể là thuốc nhỏ, thuốc bôi hoặc thuốc uống. Bên cạnh đó, cha mẹ nên có những biện pháp chăm sóc mắt cho bé đồng thời. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp tránh tình trạng đau mắt kéo dài hoặc tái phát trở lại.
 

3.2 Cách chăm sóc mắt

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ mắt trẻ khỏi sự viêm nhiễm. Việc vệ sinh sạch sẽ cũng giúp cho quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn. Để làm được điều này, cha mẹ cần lưu ý những điều như sau:

– Phân chia thành 3 loại khăn riêng biệt cho trẻ sử dụng. Bao gồm: khăn lau mặt, khăn lau mắt và khăn lau người.

– Thường xuyên giặt sạch sẽ và phơi khô mọi vật dụng của trẻ (ga gối, khăn mặt,…). Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh trẻ, đặc biệt là nguồn nước trẻ sử dụng hàng ngày.

– Nếu trẻ đau mắt đỏ do bệnh dịch thì cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học trong một vài hôm. Việc này giúp trẻ cách ly được với môi trường gây bệnh, đồng thời hạn chế lây cho các bạn học khác.

– Tuyệt đối không chữa đau mắt cho trẻ bằng các mẹo chữa dân gian. Nếu sử dụng bài thuốc không đúng có thể gây ra những tác động xấu cho bé. Vì vậy, cách tốt nhất là điều trị theo đúng đơn thuốc riêng mà bác sĩ đã chỉ định.

– Tích cực cho trẻ ăn thêm các loại rau củ để tăng cường sức đề kháng, nhất là trong những thời điểm chuyển mùa khi dịch bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát.

 

Tác giả: Mầm non Liên Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây